Những quy định cần biết về việc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng

Để người lao động hiểu rõ hơn về việc đóng Bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp người lao động có thời gian nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản từ 14 ngày trở lên trong tháng. Công ty đã ra thông báo về việc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng. Cụ thể như sau:

Quy định cụ thể đối với các trường hợp:

  1. Trường hợp 1: Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó.

Ví dụ: Tháng 8 năm 2023 Ông Nguyễn Văn A có 14 ngày nghỉ việc không hưởng lương; 12 ngày công đi làm. Do vậy tháng 8/2023 ông Nguyễn Văn A không tham gia Bảo hiểm xã hội.

  1. Trường hợp 2: Người lao động có tổng ngày nghỉ không lương và ngày nghỉ ốm từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó (lưu ý: số ngày nghỉ ốm trong trường hợp này phải dưới 14 ngày) và được thanh toán những ngày nghỉ ốm.

Ví dụ: Người lao động tham gia BHXH được 5 năm. Tháng 09/2023 nghỉ ốm từ 05/9/2023 đến 08/9/2023 (04 ngày); nghỉ không lương từ 11/9/2023 đến ngày 23/9/2023 (12 ngày). Tổng ngày nghỉ không lương và ngày nghỉ ốm là 16 ngày nên tháng 09/2023 người lao động không đóng BHXH nhưng được thanh toán 04 công ốm (từ 05/9/2023 đến 08/9/2023).

  1. Trường hợp 3: Người lao động vừa có ngày nghỉ không lương trên 14 ngày làm việc vừa có thời gian nghỉ ốm đau hoặc nghỉ chế độ thai sản dưới 14 ngày (nạo hút thai; nam nghỉ chế độ vợ sinh con) thì tháng đó không đóng BHXH nhưng vẫn được thanh toán trợ cấp ốm đau, chế độ thai sản dưới 14 ngày theo quy định của pháp luật.

Ví dụ, tính đến tháng 9/2023, bà A tham gia BHXH được 10 năm. Tháng 9/2023, bà A xin nghỉ không lương, được Công ty ban hành Quyết định thời gian kể từ ngày 01/9 đến 21/9. Ngày 22/9, bà A trở lại làm việc. Ngày 23/9, bà A ốm đau phải điều trị nội trú từ ngày 23/9 đến 24/9, có giấy ra viện của cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định. Tháng 9/2023, bà A không đóng BHXH do có 14 ngày nghỉ không lương nhưng vì ngày nghỉ ốm không phát sinh trong thời gian đang nghỉ không hưởng lương nên 02 ngày nghỉ ốm đau vẫn được thanh toán trợ cấp ốm đau (trường hợp ngày nghỉ ốm phát sinh trong thời gian bà A xin nghỉ không lương theo Quyết định thì ngày nghỉ ốm không được thanh toán trợ cấp ốm đau)

  1. Trường hợp 4: Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
  2. Trường hợp 5: Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.

* Trường hợp đặc biệt đối với người lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty (tuyển dụng vào Công ty): thời gian làm việc để tính đóng BHXH là thời gian bắt đầu hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Nếu trong tháng người lao động có thời gian nghỉ không lương cộng với thời gian có công đi làm theo hợp đồng thử việc từ 14 ngày làm việc trong tháng trở lên thì tháng đó người lao động không tham gia đóng BHXH.

Ví dụ 1: Công nhân B hợp đồng thử việc từ ngày 10/9/2023 đến 11/10/2023. Công nhân B đạt thử việc và ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 12/10/2023. Như vậy trong tháng 10 công nhân B có 10 công thử việc. Công nhân B sau khi hợp đồng lao động không xác định thời hạn chỉ đi làm từ ngày 12/10/2023 đến ngày 18/10/2023 (06 ngày), từ ngày 19/10/2023 đến 31/10/2023 nghỉ không lương (11 ngày).

Vì hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động không xác định thời hạn là 02 hợp đồng riêng biệt nên trong trường hợp này, công nhân B không tham gia đóng BHXH tháng 10/2023 vì: tính theo hợp đồng không xác định thời hạn từ ngày 12/10/2023, công nhân B chỉ có 06 ngày đi làm; 11 ngày nghỉ không lương cộng với 10 ngày (mặc dù có đi làm và có hưởng lương nhưng thuộc hợp đồng thử việc) trong tháng > 14 ngày làm việc.

Ví dụ 2: Công nhân C hợp đồng thử việc từ ngày 16/9/2023 đến 17/10/2023. Công nhân C đạt thử việc và ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 18/10/2023. Như vậy trong tháng 10 công nhân C có 15 công thử việc. Công nhân C sau khi hợp đồng lao động không xác định thời hạn đi làm từ 18/10/2023 đến 31/10/2023 (tổng 12 ngày).

Trong trường hợp này công nhân C không tham gia đóng BHXH tháng 10/2023 vì tính theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn công nhân C chỉ có 12 ngày đi làm, 17 ngày đi làm đầu tháng 10/2023 thuộc hợp đồng thử việc > 14 ngày làm việc.

Ví dụ 3: Công nhân D hợp đồng thử việc từ ngày 04/9/2023 đến 05/10/2023. Công nhân D đạt thử việc và ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 06/10/2023. Như vậy trong tháng 10 công nhân D có 04 công thử việc. Công nhân D sau khi hợp đồng lao động không xác định thời hạn đi làm từ 06/10/2023 đến 26/10/2023 (tổng 18 ngày); nghỉ không lương từ 27/10/2023 đến 31/10/2023 (04 ngày).

Trong trường hợp này, công nhân D được tham gia đóng BHXH trong tháng 10/2023 vì ngày nghỉ không lương (04 ngày) cộng ngày công mặc dù đi làm nhưng thuộc hợp đồng thử việc (04 ngày) trong tháng 10/2023 dưới 14 ngày làm việc.